location Số 72, ngõ 8, Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội
Home > Blog > 13 loại cây ăn quả lâu năm được trồng phổ biến trong sân vườn Việt – Phần 2
13 loại cây ăn quả lâu năm được trồng phổ biến trong sân vườn Việt – Phần 2

Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu 6 loại cây ăn quả lâu năm thường được trồng trong sân vườn. Bài viết này Cayplus sẽ chia sẻ cho bạn về 7 loại cây còn lại trong danh sách này nhé.

7. Bơ

7.1. Nguồn gốc

Cây bơ có xuất xứ từ vùng Trung Mỹ, được con người sử dụng từ hàng ngàn năm trước. Theo những hiện vật còn sót lại thì từ thời người Inca cổ đại đã biết sử dụng trái bơ để làm thực phẩm.

7.2. Đặc điểm

Thân bơ thuộc thân gỗ, chiều cao của nó khả năng lên tới 20m. Lá cây bơ có hình bầu dục, thuôn dài. Bơ có rất nhiều hoa, thường mọc thành từng chùm và cho quả sau 2 đến 3 năm trồng.

Khi non trái bơ có màu xanh còn khi chín có màu tím, đen. Vỏ bơ dày, hơi sần sùi bao bọc lớp thịt bên trong. Thịt trái có màu vàng, mịn, chắc và ôm trọn phần hạt. Bơ còn có rất rất nhiều loại khác nhau như: cây bơ sáp, bơ booth, bơ tứ quý,…rất thích hợp để trồng ở những khu vườn.

7.3. Cách chăm sóc

Lúc mới trồng, nên tưới thêm phân sinh học nhằm thúc cây ra rễ nhanh, tạo bộ rễ khỏe mạnh. 

Lưu ý, tưới thuốc Agriphos theo hệ thống tưới vào đầu mùa mưa tháng 5 để tăng sức đề kháng cho cây chống lại bệnh xì mủ. Tuy vậy, vẫn phải quan sát gốc cây cẩn thận, nếu thấy cây bị xì mủ thì phải trị bệnh liền bằng thuốc hóa học như Mataxyl, Ridomil, Aliette, Agriphos.   

Do cây bơ ra đọt cùng lúc với trái non đang phát triển, nên không bón phân N và P lúc cây đang trổ bông và lúc trái non mới vừa đậu. Chỉ bón N trước khi trổ và sau khi trái đã đậu.

8. Cóc

8.1. Nguồn gốc

Cóc có nguồn gốc từ Trung Mỹ và được trồng phổ biến tại các vùng nhiệt đới trên thế giới. Loại cây này được trồng để ăn quả và lấy bóng mát. Tuy nhiên, ở một số nơi người ta còn sử dụng lá cóc Thái trong chế biến món ăn.

8.2. Đặc điểm

Cây cóc Thái thuộc loại thân gỗ, có tuổi thọ cao, có khá nhiều nhánh và cành. Lá kép hình bầu dục, mép răng cưa, to và dài, màu xanh đậm. Khi mùa đông đến, lá bắt đầu rụng dần, đến khi cây chỉ còn trơ trọi những chùm quả nhỏ xinh trông rất ngộ nghĩnh.

Hoa cóc mọc thành chùm nhiều bông trắng tinh hoặc trắng hơi ngả xanh. Quả mọc thành chùm 2-12 quả, màu xanh lục, hình trứng, da dày nhưng mềm. Cóc Thái ăn được khi quả còn non nhưng rất giòn, thơm dịu, thịt màu xanh pha vàng nhạt.

8.3. Cách chăm sóc

Nên trồng cây cóc Thái vào đầu mùa mưa đây là thời điểm thích hợp giúp cây phát triển tốt nhất. Đối với miền Bắc là đầu  tháng 5 hoặc tháng 6 dương lịch hàng năm; còn miền Nam là tháng 2 – 3 dương lịch.

Loại cây ăn quả này ưa nắng, chịu hạn tốt, chịu lạnh kém, thích các vị trí thoáng gió. Độ ẩm từ 50 – 80% sẽ thích hợp cho cây sinh trưởng. Nhiệt độ dao động từ 20 – 30 độ C.  Độ pH nằm trong khoảng từ 5 – 6. Hàng năm, định kỳ 2 – 3 lần/năm, mỗi lần bạn nên bón từ 20 – 40g phân NPK, 20g phân ure, 1 – 3kg phân Komix. 

9. Bồ Quân

9.1. Nguồn gốc

Cây bồ quân tên gọi khác là cây bù quân, hồng quân, mùng quân trắng, mùng quân rừng, cây mận quân… có quả là món ăn ưa thích đặc sản tại miền Bắc. Cây bồ quân có nguồn gốc từ Ấn Độ. Đồng thời cây cũng cho dáng đẹp nên được trồng nhiều làm cây công trình tạo cảnh quan cho khu đô thị.

9.2. Đặc điểm

Bồ Quân đạt chiều cao 10m – 15m khi trưởng thành, cây được các chuyên gia xếp vào loại thân cây bụi. Quả của nó có thể ăn được, rất ngọt có thể ăn sống hoặc nấu chín để làm mứt, vỏ của cây còn được làm thuốc trong đông y.

Rễ cây ăn sâu vào trong lòng đất nên dù có gió to cũng khó mà đánh bật được cây ngã. Cây bồ quân rụng lá theo mùa, thân và nhánh già thường có những chiếc gai nhọn giống như gai cây Bưởi.

Lá của cây có lông mịn, cuống lá dài từ 4 -8 cm, phiến lá màu xanh đậm ở mặt lưng, bóng láng ở gần trục, luôn trong trạng thái tươi. Hoa của cây có màu trắng xanh, rất thơm.

9.3. Cách chăm sóc

Cây Bồ Quân không đòi hỏi chăm sóc quá phức tạp nên mọi người trồng dù chưa có kinh nghiệm cũng có thể tự tin chăm sóc cây đạt chuẩn.

Cây bồ quân không cần tưới nước thường xuyên mà chỉ đảm bảo một tuần hai lần cho cây con. Lượng nước mỗi lần tưới là một ly nước nhỏ đủ cung cấp độ ẩm cho cây là được. Cách tưới tốt nhất là bạn tưới đều lên phần ngọn, lá tránh tưới nhiều làm úng rễ.

Cây Bồ quân ưa vùng đất ẩm nhưng sức chịu hạn cũng vô cùng cao, nên bạn không cần thường xuyên tưới nước. Vào những ngày nắng nóng cao, bạn có thể tăng cường lượng nước tưới nhưng nếu thời tiết tương đối dễ chịu bạn có thể tưới cách ngày.

10. Sung

10.1. Nguồn gốc

Cây sung có tên gọi khác là tụ quả dong hay ưu đàm thụ là loại cây thuộc họ dâu tằm. Cây sung phân bố chủ yếu tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ven ao, hồ, sông, suối,..

10.2. Đặc điểm

Cây sung được biết đến là loại cây thân gỗ cao khoảng 20-30m, vỏ cây màu nâu ánh xám, nhẵn. Các cành thì nhỏ màu nâu, phiên lá non và chùm quả cong xuống, lá kèm hình trứng mũi mác.

Quả của cây sung mọc thành chùm trên các cành nhỏ hoặc ở nách lá trên cành non, mọc thành cặp, màu cam ánh đỏ khi chín và có hình quả lê. Ngoài ra còn có cây sung Mỹ, cây sung phong thủy và cây sung bonsai là giống cây cảnh được lai trồng rất đẹp.

10.3. Cách chăm sóc

Ở giai đoạn đầu bạn cần thường xuyên tưới nước cho cây. Đồng thời nên để cây ngoài nắng để cây được phát triển tốt nhất. Về phân bón bạn có thể chia thành nhiều đợt để bón phân cho cây. Nên bón vào mùa mưa hoặc khi bón xong phải tưới nước cho phân tan để tránh tình trạng cháy lá.

Để kích thích cây sung ra quả bạn có thể ngừng tưới nước 15,20 ngày và cắt bỏ lá. Sau khi cây ra được một đợt lá mới, tiếp tục chăm sóc, cây sẽ ra nụ hoa và ra quả, thời gian làm từ tháng 6 tới tháng 8 thì sung sẽ cho trái vào cuối năm. Đồng thời, bạn có thể khứa vài đường gần gốc cây, cho nhựa chảy ra như vậy cây sẽ mau cho ra quả hơn.

11. Na

11.1. Nguồn gốc

Cây na là một loài thuộc chi Na có nguồn gốc ở vùng châu Mỹ nhiệt đới. Na là một loại cây ăn quả khá phổ biến và được ưa chuộng tại các tỉnh phía Bắc. Quả na (mãng cầu ta) là loại trái cây được rất nhiều người ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon. Ngoài ra, na còn có tác dụng bảo vệ mắt, cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa mệt mỏi, đặc biệt rất tốt cho phụ nữ mang thai.

11.2. Đặc điểm

Cây Na là cây thân gỗ thường rụng lá vào mùa đông, cao từ 5 – 10 m, phân cành thường tạo thành hình nón. Hệ thống rễ ăn sâu và có thể lan rộng hơn đường kính tán. Lúc cây còn nhỏ có tồn tại rễ cọc tuy nhiên rễ sau đó bị tiêu biến. Lá đơn, hình elip, có mùi hăng.

Hoa lưỡng tính, đài dưới màu trắng xanh hoặc vàng xanh gồm 2 vòng xoắn 3 cánh ngoài lớn hơn. Quả hình trứng là quả phức do nhiều nhụy hoa sau khi thụ phấn thụ tinh kết hợp lại, quả nhiều thịt màu trắng, hạt màu đen bóng, mỗi quả có nhiều hạt. Trong hạt Na có chất độc.

Cây na sau 3 năm cho quả, năm thứ 4, thứ 5 trở đi quả ngày một nhiều. Quả na ngon, ngọt, có mùi thơm thanh khiết nên được nhiều người ưa thích. Trồng na chủ yếu để lấy quả ăn tươi, ngoài ra ở một số nước, quả na được chế thành mứt, nước giải khát, hoặc thuốc chữa bệnh.

11.3. Cách chăm sóc

Cây na dễ sống không kén chọn đất, kể cả đất nghèo dinh dưỡng, đất sỏi, đất cát, chua hoặc trung tính. Tuy nhiên, để cây na cho quả to ngon, năng suất cao, thi anh chị nên trồng ở loại đất tốt, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Na là cây trồng ưa ánh sáng hoàn toàn, na ưa độ ẩm trung bình.

Na chịu được biên độ nhiệt lớn, chịu rét khá tốt. Mùa đông cây rụng lá, nghỉ đông ngừng sinh trưởng, đến mùa xuân lại mọc lá mới. Cây rất phù hợp trồng ở Miền Bắc nước ta. Nên trồng na vào mùa xuân kéo dài đến tháng 8-9.

12. Chay

12.1. Nguồn gốc

Cây chay là loài cây đặc biệt có ở Việt Nam, ít được tìm thấy ở quốc gia khác. Lúc đầu cây mọc hoang dại, sau đó nhờ tập tục ăn trầu bằng vỏ thân và rễ cây mà chúng được nhân giống và gieo trồng nhiều ở các tỉnh phía bắc như Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Nam, Nam Định… và rải rác ở tỉnh trung du duyên hải.

12.2. Đặc điểm

Thuộc thân gỗ to, thẳng, cao trung bình từ 10-15m. Cây chay có thân nhẵn, cành non, có lông màu hung nâu và cành già màu xám. Lá mọc so le thành 2 hàng, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có lông trên đường gân. Cuống lá mảnh, có lông thưa, lá kèm nhỏ.

Trên một cây có cả hoa đực và cái. Quả phức, hình bầu dục có vỏ mềm, được bao phủ bởi lông nhung. Khi chín quả có màu vàng, ăn được. Lúc nếm, phần quả sẽ có vị ngọt dịu, hơi chua nhẹ, thơm đặc trưng. Bên trong có chứa hạt to như hạt xoan, nhiều nhựa dính.

Loài thực vật này có thể thu hái quanh năm, đặc biệt mùa hoa quả tháng 5-8. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô làm dược liệu các bộ phận như lá, rễ,…

12.3. Cách chăm sóc

Cây chay vốn có nhu cầu nước tưới tương đối cao so với các loại khác, đặc biệt là vào thời điểm mùa hè nắng nóng. Người trồng cần để ý đến những thời điểm này để tăng lượng nước, đặc biệt khi khô hành, giai đoạn cây sắp ra hoa và đang ra quả. Nhưng cũng cần lưu ý, vào mùa mưa phải xới xáo đất thường xuyên, tránh tình trạng đất ngập úng dẫn đến thối rễ.

Người trồng có thể phủ gốc chay bằng cỏ khô, rác, cây phân xanh… để hạn chế sự mọc lên của cỏ dại; xới phá sau mỗi trận mưa to. Cụ thể theo các mốc thời gian: làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.

Cây chay vốn cũng là loài khỏe mạnh, ít khi bị sâu bệnh nhưng không hẳn là không có. Những loại bệnh thường gặp là sâu đục quả và thối rễ. Trường hợp này cần chăm sóc, theo dõi thường xuyên để xử lý kịp thời.

13. Sa kê

13.1. Nguồn gốc

Cây sa kê hay còn được gọi là cây bánh mì, là loại cây vô cùng độc đáo, là cây bóng mát nhưng lại giống như cây lương thực giúp cứu đói của người dân Châu Phi. Sake hiện nay đã được trồng phổ biến ở Việt Nam được nhiều người ưa thích vừa trang trí, làm món ăn, lấy bóng mát, lấy gỗ quý, lại có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.

13.2. Đặc điểm

Cây sake có hai loại là loại quả có hạt và không hạt. Sake thuộc cây thân gỗ, dạng bóng mát lớn, chiều cao đạt khoảng 10-20m, sống lâu năm, lá xanh quanh năm, tán dày và rộng. Mặt trên lá sa kê có màu xanh bóng, mặt dưới nhám, khi lá rụng chuyển màu nâu rất cứng và khô như lá bàng có thể để trang trí rất ngộ nghĩnh.

Cây sake dạng đơn tính cùng gốc với hoa cái và đực mọc chung trên cây. Cây được thụ phấn từ động vật và côn trùng, chủ yếu là dơi ăn quả.

Quả sake bên ngoài nhìn y chang quả mít , bên trong chỉ chứa thịt, hạt mà không có múi như mít. Quả sa kê rất độc đáo được chế biến như lương thực: dùng để luộc ăn, nấu rượu, thậm chí xay lấy bột để rán như bánh mì. Sake lại rất sai quả, khi cây đạt độ tuổi trưởng thành thì cho hàng trăm quả một năm.

13.3. Cách chăm sóc

Thuộc loại cây thân gỗ khỏe mạnh nên sake rất dễ trồng và chăm sóc:

– Ánh sáng: sake ưa sáng hoàn toàn nhưng vẫn có thể chịu một phần bóng râm.

– Nhiệt độ: Cây có tốc độ sinh trưởng trung bình, chịu lạnh kém, chịu nóng tốt. Nhiệt độ ưa thích từ 18-35oC.

– Độ ẩm: Sake ưa ẩm, Nên tưới nước điều độ khi cây đang ở giai đoạn sinh trưởng, tưới bổ sung vào những giai đoạn nở hoa, kết trái.

– Đất trồng: Cây sa kê không kén đất có thể thích nghi nhanh ở cá loại đất kể cả nhiễm mặn, nhiễm phèn. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao nên trồng nơi đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

Bạn vừa đọc xong 13 loại cây ăn quả lâu năm thường được trồng làm cảnh quan trong sân vườn phổ biến tại Việt Nam. Để biết thêm các loài cây thú vị khác và cách chăm sóc sân vườn đúng chuẩn, mời bạn tham khảo các bài viết khác của Cayplus tại đây.